Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Làm gì khi Firefox 3 “trở chứng”?

Ngoài việc thiết lập kỷ lục “phần mềm được nhiều người download nhất” với hơn 8 triệu lượt download trong 24 giờ đầu sau khi được phát hành, Firefox 3 còn đạt được thành công là được giới chuyên môn đánh giá là “trình duyệt tinh vi của ngày mai” và làm vừa lòng những người dùng “khó tính” trên thế giới nhờ có nhiều tính năng ưu việt, hữu ích.

Mặc dù vậy, trong quá trình sử dụng, người dùng vẫn có những lúc gặp phải trường hợp Firefox 3 phát sinh những trục trặc, gặp lỗi, hoạt động không ổn định, thường bị treo, bị thoát giữa chừng…, nhất là khi trình duyệt đã được sử dụng một thời gian dài hoặc được cài thêm nhiều plugin, extension… Khi đó, bạn hãy thử lần lượt tiến hành theo các bước sau nhằm tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.

Bước 1

Mỗi khi Firefox gặp sự cố, nếu người dùng nhấn nút Submit tại hộp thoại báo lỗi, lỗi này sẽ được gửi về cho Mozilla. Bạn mở Firefox, gõ dòng lệnh “about:crashes” vào thanh địa chỉ, nhấn Enter, sẽ thấy hiện danh sách lỗi và thời gian bị lỗi. Bạn nhấn chuột vào lỗi tương ứng để xem mô tả và cách khắc phục. Bạn có thể tham khảo các lỗi thường xảy ra với Firefox mà người dùng đã thông báo tại địa chỉ http://crash-stats.mozilla.com/topcrasher/byversion/Firefox/3.0. Tuy nhiên, có thể lỗi bạn gặp phải không được Firefox ghi lại hay nhận diện, nếu có, không phải lỗi nào cũng được giải thích cặn kẽ và có thể khắc phục được. Khi đó, bạn cần tiếp tục thực hiện bước 2.

Xem ảnh lớn

Bước 2

Bạn kiểm tra xem lỗi phát sinh có xảy ra sau một biến cố nào đó như cài đặt add-on cho Firefox, phần mềm trong Windows, hoặc vừa thay đổi thiết lập trong Firefox, Windows… Nếu có, bạn hãy loại bỏ những tác nhân này, khởi động lại Firefox để xem còn gặp lỗi hay không. Trường hợp không có biến cố nào đặc biệt trước đó hoặc không khắc phục được lỗi, bạn tiếp tục thực hiện bước 3.

Bước 3

Bạn khởi động lại máy tính. Nếu mở lại Firefox, vẫn gặp lỗi, nhiều khả năng nguyên nhân từ Firefox (nhưng cũng chưa loại trừ do Windows hoặc do xung đột với các phần mềm khác), bạn tiếp tục thực hiện bước 4.

Bước 4

Bạn lưu trữ những thông tin quan trọng, các thiết lập, bookmark, password, extension… để sử dụng sau này. Để làm công việc trên, bạn có thể vào menu Bookmarks\Organize Bookmarks\Import and Backup (lưu trữ bookmark), sử dụng extension Password Exporter (địa chỉ https://addons.mozilla.org/en-US/firefox/addon/2848, lưu trữ password), hoặc sử dụng ứng dụng MozBackup (download tại http://mozbackup.jasnapaka.com/)... Sau đó, bạn tiếp tục thực hiện bước 5.

Xem ảnh lớn

Bước 5

Bạn vào menu Tools\Options\Advanced\Network, nhấn nút Clear Now trong mục Offline Storage. Tiếp theo, bạn vào menu Tools\Clear Private Data, xóa đi những mục cache không cần thiết như Browsing History, Cookies… (chọn những mục cần xóa rồi nhấn nút Clear Private Data Now). Nếu Firefox vẫn còn trục trặc, nghĩa là phần dữ liệu cache không gây lỗi, bạn tiếp tục thực hiện bước 6.
Xem ảnh lớn

Bước 6

Chế độ an toàn (safe mode) của Firefox là chế độ cho phép chạy Firefox với các thiết lập của người dùng, themes và extension tạm thời bị vô hiệu. Bạn vào menu File\Close để đóng trình duyệt Firefox (nếu đang mở) rồi mở Firefox ở chế độ an toàn từ menu Start\Mozilla Firefox\Mozilla Firefox (Safe Mode) hoặc thực hiện dòng lệnh “firefox.exe -safe-mode” từ hộp thoại Run. Hộp thoại Firefox Safe Mode xuất hiện, bạn nhấn nút Continue in Safe Mode. Nếu Firefox chạy trơn tru ở chế độ an toàn chứng tỏ lỗi có thể do các thiết lập của người dùng, themes, extension, hoặc profile, bạn thực hiện bước 7. Nếu ở chế độ an toàn vẫn gặp lỗi thì lỗi có thể do profile hoặc nguyên nhân khác, bạn tiếp tục thực hiện bước 10.

Xem ảnh lớn

Bước 7

Một lần nữa, bạn chạy Firefox ở chế độ an toàn, nhưng lần này, ở hộp thoại Firefox Safe Mode, bạn đánh dấu kiểm ở dòng “Reset toolbars and controls” và “Reset all user preferences to Firefox defaults” (điều này sẽ loại bỏ mọi thiết lập của người dùng và sử dụng lại theme mặc định) rồi nhấn nút Make Changes and Restart. Nếu khởi động lại Firefox vẫn thấy không thành công, nghĩa là những thiết lập của người dùng không phải nguyên nhân gây lỗi, bạn tiếp tục thực hiện bước 8.

Xem ảnh lớn

Bước 8

Nếu bạn đang sử dụng theme cài đặt thêm, không phải theme mặc định thì thực hiện bước này. Bạn vào menu Tools\Add-ons để mở hộp thoại Addons, chọn thẻ Themes. Tại đây, bạn chọn sử dụng lại theme mặc định (chọn theme Default 3.0, nhấn nút Use Theme). Nếu khởi động lại Firefox vẫn thấy không thành công, nghĩa là theme không phải nguyên nhân gây lỗi, bạn tiếp tục thực hiện bước 9. Còn nếu Firefox hoạt động trơn tru, nghĩa là theme đang sử dụng bị lỗi, bạn cài đặt lại hoặc cập nhật phiên bản mới nhất hoặc loại bỏ luôn theme này.

Bước 9

Bạn mở hộp thoại Add-ons, chọn thẻ Extensions. Đầu tiên, bạn tắt toàn bộ các extension bằng cách lần lượt chọn từng extension rồi nhấn nút Disable. Tiếp theo, bạn cho từng extension hoạt động trở lại bằng cách chọn một extension rồi nhấn nút Enable và kiểm tra xem extension này có gây ra lỗi hay không. Với extension gây lỗi, bạn cần cập nhật phiên bản mới nhất hoặc loại bỏ nó. Sau khi đã kiểm tra hết, nếu thấy không có extension nào gây ra lỗi, bạn tiếp thực hiện bước 10.

Xem ảnh lớn

Bước 10

Nếu không tìm thấy lỗi từ các thiết lập cá nhân (bước 7), theme (bước 8), extension (bước 9), có thể lỗi do profile. Bạn nên tạo một profile mới từ Profile Manager. Bạn đóng lại Firefox (nếu đang mở) rồi thực hiện dòng lệnh “firefox.exe -profilemanager” từ hộp thoại Run để truy cập trình Profile Manger. Hộp thoại Firefox – Choose User Profile xuất hiện, bạn nhấn nút Create Profile để tạo profile. Đây như là một phiên bản Firefox mới toanh, các extension, theme, bookmark được cài vào, các dữ liệu và thiết lập cá nhân trong profile cũ sẽ không xuất hiện ở profile mới. Nếu sử dụng profile mới mà vẫn bị lỗi, bạn thực hiện bước 11. Nếu profile mới hoạt động trơn tru, chứng tỏ lỗi từ profile cũ. Bây giờ, bạn sử dụng profile mới và thiết lập Firefox như trước đây từ những thông tin, dữ liệu đã backup (bước 4).

Xem ảnh lớn

Bước 11

Một trong những nguyên nhân thường gặp khiến Firefox (và những trình duyệt khác) trở chứng là plugin. Bạn mở hộp thoại Add-ons, chọn thẻ Plugins. Bạn thực hiện tương tự như với các extension (bước 9) để tìm ra plugin gây lỗi. Nếu thấy không có extension nào gây ra lỗi, bạn tiếp thực hiện bước 12.

Xem ảnh lớn

Bước 12

Bạn kiểm tra một số nguyên nhân thường gặp (không do bản thân Firefox) có thể khiến trình duyệt hoạt động không ổn định:
- Bạn kiểm tra xem máy tính có bị nhiễm virus, spyware hoặc malware không.
- Bạn kiểm tra tường lửa hay những chương trình bảo mật để đảm bảo Firefox hoặc trang web nào đó không nằm trong danh sách bị chặn.
- Nếu bạn đang cài đặt Spybot S&D, tính năng Immunize có thể khiến Firefox trở nên chậm chạp khi nạp những trang web hoặc chuyển đổi qua lại giữa các tab.
- Những chương trình chặn quảng cáo, tăng tốc duyệt web, chống virus… có thể đụng với Firefox. Bạn tạm thời tắt từng chương trình đang chạy để kiểm tra.
- Kiểm tra và sửa lỗi đĩa cứng.
- Bạn tra cứu một số lỗi thường gặp và cách khắc phục ở trang web hỗ trợ của Mozilla tại địa chỉ http://support.mozilla.com/en-US/kb/Firefox+crashes.

Nếu tình trạng Firefox vẫn không có gì thay đổi, bạn thực hiện bước 13.


Bước 13


Bước cuối cùng thực hiện là gỡ bỏ hoàn toàn chương trình Firefox đang sử dụng và cài đặt lại Firefox phiên bản mới nhất.
- Bạn download phiên bản Firefox mới nhất về máy, không nên download từ trang web nào khác ngoài trang chủ www.mozilla.com.
- Bạn gỡ bỏ Firefox từ mục Program and Features trong Control Panel. Lưu ý là bạn cần đánh dấu kiểm ở dòng “Remove my Firefox personal data and customizations” trong hộp thoại Mozilla Firefox Uninstall để gỡ bỏ hoàn toàn mọi thông tin cũ. Bạn cũng xóa luôn thư mục plugin của Firefox (thường là C:\Program Files\Mozilla Firefox\plugins) để loại bỏ hẳn các plugin đã thêm vào.
- Cuối cùng, bạn cài đặt lại Firefox. Bạn có thể thiết lập Firefox như trước đây từ những thông tin, dữ liệu đã backup (bước 4). Chúc bạn thành công.

Xem ảnh lớn

Ngô Bảo Khoa
Đăng trên XHTT Online ngày 5/10/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét